Nước sinh hoạt nhiều nhà dân TP.HCM không đạt chuẩn

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM mới đây đã khảo sát trên 3.155 mẫu nước dùng, sinh hoạt tại nhiều quận, huyện TP.HCM. Kết quả công bố cho thấy nhiều mẫu nước không đạt chuẩn, nguy cơ tái nhiễm vi sinh.
Theo các chuyên gia, nếu người dân sử dụng lâu dài nước không đạt chuẩn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nước không đạt ở các bồn chứa nước

Năm 2018, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM thực hiện giám sát 3.155 mẫu, trong đó có 1.827 mẫu (57,91%) đạt chỉ tiêu hóa lý, 3.017 mẫu (95,63%) đạt chỉ tiêu vi sinh.
 
Các mẫu nước giám sát chủ yếu không đạt chỉ tiêu clo dư ở các bồn chứa nước, vệ tinh nước tại khu chung cư, nhà trọ, khu vực dân cư chưa có mạng lưới cấp nước ở Q.8, Q.12, Q.Thủ Đức, H.Bình Chánh, H.Cần Giờ, H. Củ Chi, H.Hóc Môn, H.Nhà Bè…
 
Các mẫu nước giếng hộ dân tự khai thác không qua quá trình xử lý thường có độ pH thấp (58%), hàm lượng sắt tổng không đạt (1,5%) và hàm lượng amoni không đạt (13,5%) tại Q.12, Q.Bình Tân, Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình, Q.Tân Phú, Q.Thủ Đức, H.Bình Chánh, H.Củ Chi, H.Hóc Môn.
Giải thích về lượng clo không đạt chuẩn trong nước ăn uống và sinh hoạt, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết do áp lực nước hiện nay không đồng đều tại các khu vực, cụ thể nước tại các khu vực cuối hệ thống cấp nước có áp lực yếu, hàm lượng clo dư thấp do thất thoát trên đường đi.
 
Thêm vào đó, hàm lượng clo dư vốn thấp lại bị lưu chứa tại bồn thêm một thời gian trước khi sử dụng nên việc tái nhiễm vi sinh là nguy cơ có thể xảy ra tại các điểm này.
 
Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ – giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC), nếu người dân sử dụng nước không đạt các chỉ tiêu, lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số nơi thiếu clo nhưng cũng có nhiều nơi lượng clo trong nước lúc nào cũng xộc lên.
 
Sử dụng nước máy đã hơn 20 năm, gia đình ông T.M.P. (ngụ P.4, Q.Tân Bình) cho biết: “Nhà tôi không ngày nào là không nghe mùi clo xộc lên mũi mỗi khi mở vòi nước”. Ông P. cho biết gia đình không dám lấy nước máy bơm trực tiếp để nấu ăn. Gia đình ông P. hay lấy một chiếc xô lớn để hứng nước máy, sau đó để vài giờ cho mùi clo bay đi, đồng thời để lắng cặn thì mới dám dùng.

Hệ lụy nguy hiểm sức khỏe

Theo PGS Phùng Chí Sỹ, nếu sử dụng nguồn nước ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
 
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT) và chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT) của Bộ Y tế ban hành năm 2009, các mẫu có thông số như clo dư, pH, sắt tổng, amoni trong nước ăn uống và sinh hoạt tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đều không đạt.
 
Theo đó, PGS Sỹ cho biết clo dùng để khử trùng vi khuẩn có hại trong nước, với mức tối đa cho phép là 0,3-0,5mg/l. Nếu clo dư không đạt, vi khuẩn, vi sinh có thể tái nhiễm và phát sinh.
 
Tùy theo nồng độ và thời gian tiếp xúc mà mức độ ảnh hưởng khác nhau như gây bệnh hen suyễn, rối loạn chức năng gan, thậm chí làm đình trệ và suy yếu khả năng miễn dịch. Nếu sử dụng lâu dài ở mức độ nào đó clo dư có thể chuyển hóa tế bào, gây ung thư.
 
Tương tự, nồng độ pH không đạt yêu cầu có thể phá hoại hàng loạt quá trình chuyển hóa trong cơ thể, gây ra các bệnh về thần kinh, thận, dạ dày… Nếu sử dụng lâu dài nước có độ pH không đạt quy chuẩn cũng sẽ chuyển hóa tế bào, gây ung thư.
 
Trong khi đó, nếu sắt tổng vượt quy chuẩn sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển máu, hệ bài tiết từ đó gây ra bệnh tim, bệnh gan… Song song với đó, nồng độ tổng sắt cao sẽ làm rối loạn chuyển hóa đường gây tiểu đường, loãng xương, bệnh Parkinson…
 
Còn bản thân amoni không quá độc, chúng có mặt trong chất bài tiết của cơ thể. Tuy nhiên nếu tồn tại trong nước với hàm lượng vượt quá quy chuẩn có thể làm người sử dụng thiếu máu, khiến người xanh xao, vàng nhợt, ốm yếu…
 
Để hạn chế việc tái nhiễm vi sinh, PGS Sỹ khuyến cáo các hộ gia đình nằm trong khu vực có nguồn nước ăn uống và sinh hoạt ô nhiễm nên sử dụng những phương pháp xử lý nước đơn giản tại nhà như ăn chín uống sôi, không uống nước lã, lắng lọc nước bằng các vật liệu truyền thống (sỏi, cát, than), sử dụng các thiết bị lọc nước.
(Theo Tiền phong)
Tin mới nhất