Luộc là phương pháp chế biến thức ăn đơn giản và dễ thực hiện nhất. Dù cho bạn “mù” nấu ăn đến mức nào, ít nhất cũng sẽ biết cách luộc rau, luộc thịt, luộc trứng,… đúng không nào? Thế nhưng phải thừa nhận rằng luộc chín để ăn được là một chuyện. Luộc làm sao để giữ được độ tươi ngon và đẹp mắt là chuyện hoàn toàn khác.
Đặc biệt là với các loại rau củ. Mỗi loại mỗi đặc tính thích hợp với cách luộc rau và xử lý sau khi chín khác nhau để giữ được màu tươi xanh, ngon giòn, không bị thâm. Những mẹo dưới đây sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng nấu nướng. Đảm bảo ai cũng sẽ thì thầm hỏi bí quyết của bạn cho mà xem.
Cách luộc rau muống chín đều, không bị thâm đen
Luộc rau muống nghe tưởng chừng đơn giản nhưng phải nói đây là loại rau khá “khó tính”. Nếu không biết cách luộc rau muống đúng, bạn sẽ khiến chúng thâm đen, vàng úa và cọng mềm, không giữ được độ giòn.
Cách thực hiện:
– Đun sôi nước đảm bảo có thể ngập đều rau.
– Cho thêm ½ muỗng muối, khuấy đều.
– Đợi nước sôi khoảng 1 – 2 phút mới thả rau vào.
– Lật đều để rau ngập trong nước sôi.
– Giữ lửa đều thêm khoảng 5 – 6 phút rồi tắt bếp.
– Nếu chưa quen thì không nên đậy nắp vung để dễ canh rau chín vừa tới.
– Vớt rau ra rổ để ráo ngay sau khi tắt bếp.
– Nếu muốn giữa rau giòn và xanh tươi lâu thì nên chuẩn bị sẵn một bát nước lạnh. Sau khi vớt khỏi nồi thì cho trực tiếp rau vào ngâm khoảng 1 – 2 phút là được.
Để có được 1 đĩa rau muống luộc như ý, khi lặt rau bạn chú ý ngắt bỏ 2/3 đoạn lá. Nếu muốn dùng nước luộc thì có thể cho thêm me hay sấu sau khi vớt rau ra.
Cách luộc đậu rồng giòn kháu bắt cơm
Đậu rồng sau khi rửa sạch, bạn cắt thành đoạn ngắn 3 – 4 cm cho vừa miệng ăn. Đậu rồng già sẽ có xơ, luộc lên dai mất ngon. Do đó, nên chú ý lựa đậu rồng còn xanh non. Và khi cắt thành đoạn ngắn, bạn chú ý tước phần xơ này đi.
Cách thực hiện:
– Đun sôi nước đủ để ngập đều đậu rồng.
– Cho thêm ½ muỗng muối và một ít dầu ăn, khuấy đều. Mẹo ngày giúp đậu rồng giòn, xanh bóng hấp dẫn. (Lưu ý: Có một số gia đình không thích thêm dầu vào đồ luộc.)
– Đợi nước sôi tới thì bỏ đậu rồng vào.
– Điều chỉnh để đậu rồng ngập đều trong nước.
– Luộc thêm khoảng 7 – 8 phút cho nước sôi trở lại thì tắt bếp.
– Vớt ra rổ và để ráo ngay, tránh đậu rồng bị chín quá lửa.
Cách luộc súp lơ xanh giòn
Súp lơ cắt thành miếng nhỏ vừa ăn. Ngâm với nước muối loãng, sau đó rửa dưới vòi nước chảy 2 lần để đảm bảo an toàn.
Cách thực hiện:
– Đun nước sôi với lửa lớn và ½ muỗng muối.
– Thả súp lơ ngập trong nước sôi.
– Giữ nguyên mức lửa và luộc trong vòng 2 – 3 phút. Súp lơ cần luộc với lửa to để nhanh chín và không mất dinh dưỡng.
– Không đậy vung khi luộc súp lơ
– Vớt ra và ngâm với nước lạnh khoảng 1 – 2 phút.
– Để ráo trong rổ là xong.
Súp lơ nên kết hợp thêm với cà rốt, dưa leo, bí đao để tăng khẩu vị và bắt mắt hơn.
>> Tham khảo thêm: Top 10 món ăn thanh nhiệt ngày hè và công thức.
Cách luộc rau cải ngọt chín đều, cọng giòn
Khi lặt rau cải cần bỏ bớt các lá già để tránh bị dai và đắng. Cắt thành đoạn nhỏ 3 – 4 cm vừa miệng ăn rồi rửa sạch. Bí quyết khi luộc rau cải ngọt đó chính là gừng. Bạn cần chuẩn bị thêm một ít gừng, cạo sạch vỏ và đập dập.
Cách thực hiện:
– Đun nước sôi và cho thêm ½ muỗng muối. Nhớ canh nước đủ để ngập toàn bộ rau.
– Dùng lửa nhỏ khi luộc rau cải ngọt.
– Khi nước sôi bỏ phần cọng vào luộc trước 2 – 3 phút. Tiếp đến mới cho phần lá vào.
– Đậy vung chờ khoảng 5 phút thì cho gừng đã đập dập vào. Gừng giúp rau và nước luộc dậy mùi, thơm ngon hơn.
– Canh lửa sôi thêm chừng 1 – 2 phút, kiểm tra rau chín đều thì tắt bếp.
– Vớt ra dĩa và dàn mỏng để rau nhanh nguội. Mẹo này giúp rau không bị chín quá và giữ được độ xanh giòn.
Cách luộc đậu bắp không bị nhớt và ngọt giòn
Rửa sạch đậu bắp rồi cắt bỏ chót đầu và đuôi (không cắt thâm vào phần thân có hột). Ngâm ngập trong nước muối loãng khoảng 3 – 5 phút. Rửa sạch đậu bắp thêm vài lần.
Cách thực hiện:
– Đun sôi nước và cho thêm muối nếu thích như phía trên.
– Thả nhẹ đậu bắp vào khi nước sôi.
– Đậu bắp nhanh chín nên chỉ cần luộc 2 – 3 phút.
– Vớt đậu bắp cho vào nước sôi để nguội (không cần nước đá) khoảng 1 – 2 phút.
– Để ráo đậu bắp và thưởng thức.
Ngoài luộc bạn có thể thử hấp đậu bắp. Nếu không dùng nước luộc, thì cách hấp sẽ giữa được vị thanh ngọt của đậu bắp hơn là luộc.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, để có được một dĩa rau luộc đẹp ngon đúng nghĩa bạn cần chú ý thêm:
– Chọn rau, đậu tươi non, ít sâu và dập.
– Khi sơ chế với rau cần nhẹ tay để rau không bị bầm.
– Loại bỏ phần rau, cọng già, tước bớt xơ để rau luộc không bị dai.
Đối với món luộc thì nước chấm chính là “linh hồn”. Rau ngon phải đi kèm với nước chấm phù hợp thì mới trọn 10/10 điểm. Nhớ theo dõi các bài viết ẩm thực sau để học hỏi công thức nước chấm nhé!