Những năm gần đây gạo lứt trở thành một “cơn sốt” tiêu dùng. Với nhiều chức năng được truyền tai nhau như giảm cân, trị mụn, chống táo bón, bệnh tim mạch, đái tháo đường hay thậm chí là trị bệnh ung thư. Các sản phẩm liên quan đến gạo lứt cũng được bày bán rộng rãi như gạo lứt rang, cốm nếp lứt, bột ngũ cốc gạo lứt,…
Dù giá cả đắt hơn gạo trắng thông thường, nhưng người tiêu dùng vẫn ưu tiên sử dụng. Loại bỏ hoàn toàn gạo trắng truyền thống khỏi thực đơn hằng ngày. Quan điểm này có đúng hay không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Gạo lứt là gì?
Gạo lứt hay còn gọi là gạo lật, gạo rằn, thường có màu nâu nhạt hoặc đen. Trong quá trình loại bỏ vỏ trấu, gạo lật không đánh bóng nên giữ lại được lớp vỏ lụa chứa nhiều chất xơ, magiê, mangan, sắt và giàu vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E. Hàm lượng các chất này đều cao hơn gạo trắng. Đặc biệt là chất xơ và vitamin B1 rất tốt cho người bệnh đái tháo đường.
Gạo lật còn có một số thành phần giúp giảm cholesterol trong máu. Nhờ đó tốt cho người mắc bệnh tim mạch hay mỡ trong máu cao. Về tác dụng giảm cân cũng đúng một phần. Đó là vì loại gạo này thường cứng, phải nấu lâu mới chín và khi ăn cần nhai kỹ. Từ đó khiến cho người dùng ăn ít hơn nhưng có cảm giác no lâu hơn. Cộng với thành phần giàu vitamin góp phần giúp giảm cân.
Phân biệt các loại gạo lứt
Cũng như gạo trắng, gạo lứt có 2 loại là gạo tẻ và gạo nếp:
– Gạo lứt tẻ là loại thường dùng để nấu cơm ăn hằng ngày và chế biến các món bún, gạo lật, cốm lật,…
– Gạo lứt nếp có độ dẻo cao hơn, thường dùng để nấu xôi hoặc ủ rượu.
Ngoài ra, trên thị trường còn chia thành 2 loại là gạo lứt đỏ và gạo lứt đen theo màu sắc bên ngoài.
– Gạo lứt đỏ: có màu nâu đỏ, hàm lượng dinh dưỡng cao. Tốt cho người bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường. Thích hợp để giảm cân, làm đẹp.
– Gạo lứt đen: có màu đen, hạt dài thon hơn gạo lứt thường. Gạo lật đen được ví là “siêu thực phẩm” trong các nghiên cứu khoa học. Chúng có lượng đường, tinh bột thấp, song chất xơ cao. Tốt cho sức khỏe nói chung và bệnh nhân tim mạch, ung thư nói riêng. Loại gạo này cần phải ngâm trước khi nấu. Bạn nên tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng.
Các nghiên cứu khoa học về gạo lứt
Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng chất xơ trong gạo lứt thực sự giúp phòng bệnh tim mạch và các vấn đề về đường tiêu hóa. Theo Viện ung thư Hoa Kỳ (AICR), mỗi người nên dùng 25g chất xơ mỗi ngày để phòng ngừa ung thư. Trong khi đó, lượng chất xơ có trong gạo lật gấp 3.5 lần so với gạo trắng.
Giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Havard khuyên rằng nên thay thế 30% lượng cơm trắng mỗi ngày bằng gạo lật, sẽ giúp giảm 17% nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Các nhà khoa học Nhật Bản còn phát hiện rằng: gạo lật nảy mầm có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn trạng thái bình thường (sau khi ngâm trong nước ấm 22 giờ).
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định gạo lật thực sự tốt cho sức khỏe.
Xem thêm:
- Nước ép cần tây có thật sự giúp giảm cân và làm đẹp da?
- Súc miệng bằng nước muối: Hiểu đúng về công dụng và cách dùng
Tác dụng của gạo lứt đối với sức khỏe
Bên cạnh giảm cân, giảm cholesterol xấu, tốt cho bệnh nhân đái tháo đường, gạo lứt còn có những công dụng sau:
– Giảm nguy cơ ung thư: Chất xơ và vitamin giúp phòng chống ung thư trực tràng, ung thư ruột, gan. Chất tocotrienol và polyphenol còn có tác dụng phát hiện và kìm hãm sự phát triển của những tế bào có nguy cơ chuyển thành ung thư.
– Giải độc gan: Vitamin nhóm B, inositol và photpholipid giúp giải độc, cải thiện chức năng gan. Các chất chống oxy hóa góp phần bảo vệ gan và ngăn ngừa xơ gan. Những thành phần này đồng thời còn chống loãng xương và giảm nguy cơ sỏi thận.
– Tăng cường miễn dịch: Trong gạo lật chứa steroline và sterol có chức năng loại bỏ virus, cải thiện tỷ lệ lợi khuẩn, giúp tăng cường hệ miễn dịch.
– Tốt cho hệ tiêu hóa: Hàm lượng vitamin cao vá chất xơ giúp thức ăn tiêu hóa nhanh. Từ đó giảm gánh nặng, giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.
– Được khuyên dùng cho người cao huyết áp: Từ tác dụng tăng cường miễn dịch, tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa cholesterol xấu, gạo rằn được bác sĩ khuyên dùng cho bệnh nhân cao huyết áp.
Ngoài ra, gạo lật còn có công dụng làm đẹp da, giải độc cho cơ thể, tốt cho mắt và não bộ, người đau dạ dày và thường xuyên bị táo bón cũng được khuyên dùng.
Gạo lứt chỉ tốt khi bạn biết dùng đúng cách, đúng lượng
Khi chế biến gạo lứt, bạn không nên vo gạo quá mạnh và kỹ sẽ khiến bong tróc lớp vỏ lụa bên ngoài. Trong lúc nấu tránh mở vung vì sẽ làm vitamin bay mất. Bạn nên hiểu rằng các công dụng trên của gạo lật chỉ có tác dụng ngăn ngừa, phòng tránh, hỗ trợ điều trị bệnh. Điều đó không đồng nghĩa với việc chỉ mỗi gạo lật có thể trị dứt mọi bệnh hay cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Và cũng không có nghĩa dùng càng nhiều càng tốt.
Mỗi người chỉ nên ăn gạo lật 2 – 3 lần mỗi tuần. Các bữa ăn còn lại vẫn nên bổ sung gạo trắng để cân bằng dinh dưỡng. Gạo lật chỉ tốt khi bạn biết dùng đúng cách, đúng liều lượng. Không nên lạm dụng kẻo bị phản tác dụng bạn nhé!