“Đại dịch” kiến ba khoang tiếp tục xuất hiện trên khắp cả nước. Theo ghi nhận của Bệnh viện Da liễu Trung ương, trung bình mỗi ngày có từ 15 – 20 bệnh nhân nhập viện vì nọc độc của kiến ba khoang. Các trường hợp đều đã trở nặng trên toàn thân vì chủ quan không điều trị ngay từ đầu.
Nhiều người hoang mang không biết tại sao một con kiến ba khoang nhỏ xíu lại có nọc độc nguy hiểm đến vậy. Bổ sung những kiến thức dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về kiến ba khoang. Đồng thời biết cách chủ động phòng tránh loại côn trùng nguy hiểm này.
Tìm hiểu về kiến ba khoang
Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus Fuscipes Curtis, thuộc bộ côn trùng cánh cứng. Kích thước và hình dáng của chúng cũng giống như những loài kiến thông thường. Chiều dài từ 1 – 1,2cm; bề ngang chỉ khoảng 2 – 3mm.
Giống như tên gọi, thân kiến ba khoang thường được chia thành từng đoạn riêng biệt với màu sắc tính từ đầu như sau: đen – đỏ cam – đen – đỏ cam – đen. Phần đầu có 2 cọng râu nhỏ hơi nhám. Đuôi thường cong vểnh lên trên. Nếu nhìn kỹ trên lưng chúng có những cọng lông tơ rất mỏng.
Trong trường hợp bạn thấy con kiến giống miêu tả ở trên xuất hiện trong nhà, đừng chủ quan lấy tay tiêu diệt như những loài kiến khác nhé! Đọc hết bài viết này bạn sẽ hiểu lý do vì sao.
Kiến ba khoang nguy hiểm như thế nào?
Dù chỉ nhỏ như hạt gạo nhưng kiến ba khoang lại mang độc tố pederin. Loại độc tố mạnh gấp 12 – 15 lần nọc độc rắn hổ mang. May mắn là liều lượng thấp và chỉ tiếp xúc ngoài da nên không gây chết người nhanh như nọc độc rắn.
Tuy nhiên, không chỉ khi kiến ba khoang cắn thì mới giải phóng độc tố pederin. Chỉ cần bạn vô tình đụng phải, giết chúng trực tiếp bằng tay hay chúng vô tình bám vào quần áo thì đều có nguy cơ gây tổn thương da. Chính vì thế, nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện ở nơi sống hay nơi làm việc thì phải hết sức cảnh giác.
Vì liều lượng độc tố thấp nên ban đầu thường không có cảm giác rõ rệt. Sau khoảng 6 tiếng, vùng da tiếp xúc với chúng sẽ dần đỏ càng sậm màu, hơi sưng và gây ngứa. Tùy cơ địa từng người, trong vòng 6 – 24 tiếng tiếp theo, vùng da bị nhiễm độc sẽ dần lan rộng và xuất hiện các vết mủ trắng đục. Các vết mủ trắng vỡ ra gây đau rát và làm lan độc tố đến vùng da lân cận. Thậm chí, bạn cũng có thể nhiễm độc từ người khác.
Nếu không điều trị kịp thời, độc tố sẽ lây lan đến mọi bề mặt da trên cơ thể. Vết cắn ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây đau rát, ngứa khó chịu. Nếu cơ địa thuộc “da độc” còn có thể bị nổi hạch và hành sốt. Không những thế, bệnh trở nặng sẽ gây nhiễm trùng và nhiều biến chứng chẳng thể lường trước.
Vô cùng nguy hiểm nếu bị cắn gần khu vực mắt, trên mặt, vùng kín và đối tượng trẻ nhỏ.
Nên làm gì khi bị kiến ba khoang cắn?
Vết kiến cắn giống với bệnh zona, giời leo nên nhiều gia đình thường điều trị theo cách dân gian. Phương pháp đắp lá thuốc, đậu xanh, rượu ngâm,… càng khiến vết cắn lan rộng và để lại hậu quả nghiêm trọng.
Khi phát hiện hay nghi ngờ bị kiến cắn, bạn cần nhanh chóng rửa sạch dịch độc với nước lạnh, cồn 70 độ và xà phòng kháng khuẩn.Vệ sinh khéo léo để chúng không lan rộng ra vùng da xung quanh. Theo dõi vết cắn thường xuyên, nếu có dấu hiệu sưng đỏ và trở nặng thì phải đến khám tại chuyên khoa da liễu. Tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà khi chưa có chẩn đoán chính xác.
Nếu không may bị “hỏi thăm” tại khu vực nhạy cảm như bộ phận sinh dục, gần mắt cần đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. Bệnh để lâu có thể gây tổn thương bộ phận sinh dục hoặc ảnh hưởng thị giác.
Phòng ngừa kiến ba khoang
Kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, thời tiết ẩm nóng. Bạn cần đề phòng khi thấy côn trùng lạ xuất hiện. Dùng dụng cụ gián tiếp để loại bỏ chúng, tuyệt đối không dùng tay. Nếu gia đình có trẻ nhỏ, bạn cần thường xuyên kiểm tra nền nhà và da của con xem có dấu hiệu khả nghi nào hay không.
Bên cạnh đó, bạn có thể chủ động phòng ngừa kiến ba khoang bằng những cách sau:
– Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát.
– Nếu nhà có vườn, cây cối cần phun thuốc diệt côn trùng định kỳ.
– Kiểm tra khăn lau mặt, giũ sạch quần áo trước khi mặc.
– Ngủ mùng kể cả ban ngày.
– Kiểm tra giường, gối, chăn, mùng kỹ càng trước khi ngủ.
– Đóng kín cửa, tắt đèn sớm để tránh thu hút kiến ba khoang và các loại côn trùng khác.
– Cảnh giác gia đình sau những ngày mưa.
Ngoài ra, nên chuẩn bị sẵn mỡ Gentrison hoặc Phenaegan, hồ nước nếu trong gia đình đã từng có người bị loài kiến này cắn. Lưu ý nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Sau khi vệ sinh hay bôi thuốc cho vết cắn, cần rửa tay thật sạch với xà phòng kháng khuẩn.
Không chỉ kiến ba khoang, với thời tiết giao mùa khó chịu hiện nay bạn cần chủ động bảo vệ sức khỏe gia đình bằng nhiều cách. Tham khảo thêm: Mưa nắng thất thường, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe gia đình?