Thuốc lá điện tử thành công thu hút người tiêu dùng với công dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống. Giới trẻ tin rằng thuốc lá điện tử không gây hại và sử dụng như một “thú vui” mới. Quan điểm này có đúng hay không?
Trên thực tế, công dụng cai nghiện xuất hiện từ những bài quảng cáo về sản phẩm thuốc lá điện tử. Thêm vào đó là những lời “có cánh” về cảm nhận không khác gì thuốc lá truyền thống. Thiết kế sang trọng cùng “tinh dầu” đa dạng cuốn hút người dùng. Cứ thế lời truyền miệng lan rộng. Người nghiện thuốc rủ nhau dùng. Còn giới trẻ thì bị thu hút bởi cái mới và nghĩ rằng chúng an toàn. Chính những điều này đã gây nên hiểu lầm về thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử là gì?
Thuốc lá điện tử được phát minh bởi Hon Lik – một dược sĩ người Trung Quốc. Xuất hiện đầu tiên vào năm 2003, sau đó phát triển nhanh chóng sang nhiều nước khác. Sản phẩm này tích hợp pin cung cấp năng lượng cho bộ phận vòi phun. Tại đây “tinh dầu” sẽ được làm nóng biến thành hơi. Người hút hít vào và thở ra khói như thuốc lá thông thường. Trải nghiệm của người dùng không bị ảnh hưởng. Và tác hại chung ít hơn thuốc lá điếu đốt.
“Tinh dầu” trong hộp nạp thực chất là nicotin hòa tan trong propylene glycol, hương liệu và chất tạo màu. Nồng độ nicotine từ 0 đến 24 – 36 mg/ml khí thở. Vì vậy, thuốc lá điện tử vẫn chứa chất gây nghiện. Không an toàn tuyệt đối như nhiều người tin tưởng. Còn về công dụng giúp cai nghiện thuốc lá điếu vẫn đang còn nhiều tranh cãi.
Cấu tạo của thuốc lá điện tử
Một điếu thuốc điện tử có những bộ phận cơ bản sau:
– Pin: Cung cấp năng lượng để đốt tinh dầu. Đa số dùng pin lithium-ion có thể sạc được.
– Bộ cảm ứng/Mạch điện: Kích hoạt làm nóng vòi phun.
– Tinh dầu: Có nhiều loại với nhiều hương vị khác nhau.
– Ống chứa tinh dầu: Thường nằm ở cuối điều thuốc, dùng để đựng tinh dầu.
– Vòi phun: Làm nóng tinh dầu, dung dịch bay hơi thành khói thuốc.
Thuốc lá điện tử ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Tác hại tiềm ẩn của “tinh dầu”
Thành phần tinh dầu dùng trong thuốc là điện tử không được công khai rộng rãi đến người tiêu dùng. Chúng có thể tiềm ẩn những nguy hại sau:
– Nicotine: Chất gây nghiện, ảnh hưởng đến não bộ, tim và hệ hô hấp. Dùng với liều cao có thể gây tử vong. Nicotine còn từng được sử dụng như một loại thuốc trừ sâu.
– Propylene Glycol: Là một loại cồn không màu, không mùi, không vị. Thường được dùng trong các máy tạo khói nhân tạo trên sân khấu. Có thể gây kích ứng phổi và mắt. Rất nguy hiểm đối với người bị hen suyễn và các bệnh nhân phổi mãn tính.
– Glycerin, diacetyl: Dùng trong thời gian dài có thể gây tắc nghẽn phổi mãn tính.
Khói thuốc lá điện tử không an toàn
Khi tinh dầu được làm nóng sẽ bay hơi để người dùng hít vào và thở ra khói. Khói này ít độc hại hơn so với khói từ thuốc điếu đốt. Nhưng chúng vẫn chứa một số chất gây hại như:
– Formaldehyde, acetaldehyde: Chất có thể gây ung thư.
– Acrolein: Chất gây tổn thương phổi và bệnh tim mạch.
– Các hạt bụi nhỏ và kim loại (thiếc, nickel, catmi, chì, thủy ngân): Có thể gây viêm mao mạch, hệ hô hấp và các hiệu ứng thần kinh.
Khói tinh dầu ít chất độc hơn nhưng nếu sử dụng lâu dài với số lượng lớn vẫn tiềm ẩn nguy cơ ung thư, bệnh phổi, tim mạch,… không kém thuốc lá thường.
Nguy cơ gây thương tích do cháy nổ
Có nhiều trường hợp thuốc lá điện tử phát nổ gây thương tích được ghi nhận. Trong đó có thể kể đến tai nạn của một cậu bé 14 tuổi tại Brooklyn năm 2016. Điếu thuốc lá phát nổ khi sạc pin làm cậu bé bị mù mắt. Hay một người đàn ông bị dung dịch nicotine nóng trôi xuống cổ họng và lủng cả phổi. Và rất nhiều nạn nhân bị thương tích ngoài da.
Độc hại đối với trẻ nhỏ và thú nuôi
Hệ hô hấp của trẻ nhỏ dễ bị tổn thương bởi khói thuốc. Người xung quanh và thú nuôi cũng sẽ bị hút thuốc thụ động. Mức độ độc hại không kém người hút thuốc trực tiếp. Không những thế, hương liệu trong tinh dầu chứa các vị trái cây thu hút trẻ em. Đã có trường hợp trẻ em nhập viện vì nuốt phải tinh dầu. Hình ảnh phụ huynh hút thuốc còn để lại ấn tượng xấu. Khảo sát cho thấy, 80% thanh thiếu niên tập hút thuốc là do ảnh hưởng từ bố mẹ.
Đó là chưa kể đến ảnh hưởng tệ hại tới môi trường. Tai nạn cháy nhà, cháy rừng chỉ vì một điếu thuốc. Nhìn chung, nếu bạn có ý định bỏ thuốc lá điếu thì đây cũng là một giải pháp tốt. Tuy nhiên, chúng chỉ tốt khi bản thân người dùng cố gắng sử dụng với tần suất ngày càng ít. Sau đó dứt khoát cai được cả hai loại thuốc lá. Còn với quan điểm thuốc lá điện tử không gây hại, sử dụng bao nhiêu cũng được thì hoàn toàn sai.
Hãy xem lại ảnh hưởng của thuốc là đối với bản thân, gia đình, mọi người xung quanh và môi trường. Đừng vì bất cứ một lý do nào mà tập hút thuốc nhé các bạn!