Thức ăn là nguồn dinh dưỡng nuôi sống chúng ta mỗi ngày. Thức ăn cung cấp năng lượng, các chất thiết yếu cho cơ thể. Do vậy, thức ăn ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe và tuổi thọ của chúng ta.
Những thói quen ăn uống dưới đây thực sự có hại cho sức khỏe. Nếu mắc phải một trong số đó, bạn nên từ bỏ ngay.
1. Chế độ ăn thừa muối – ăn mặn
Ăn nhiều muối làm tăng huyết áp và gây ảnh hưởng đến nhịp tim. Tệ hại hơn, ăn quá mặn khiến các tế bào hồng cầu bị phá hủy, làm cho máu dính vào thành mạch máu.
Ăn quá nhiều muối cũng có thể gây phù nề tế bào, thu hẹp đường thông mạch máu, gây rối loạn tuần hoàn máu, tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho tim và cuối cùng gây ra suy tim, nhồi máu cơ tim, tấn công sức khỏe, thậm chí cướp đi tính mạng của bạn.
2. Mê ăn ngọt – chế độ ăn thừa đường
Chế độ ăn thừa đường khiến bạn dễ dàng mắc phải căn bệnh béo phì do kháng insulin. Ăn nhiều đồ ngọt khiến bạn phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như: tăng huyết áp, tiểu đường, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh gan, gút, viêm khớp, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ,…
Khi bạn tiêu thụ quá nhiều đường, lượng đường trong máu chênh lệch khi mới ăn đến khi cơ thể tiêu thụ hết khiến bạn thay đổi tâm trạng và mệt mỏi. Bên cạnh đó, ăn nhiều đường cũng có nghĩa là bạn không ăn đủ chất đạm và chất xơ. Kết quả là bạn không đủ no và năng lượng cung cấp cho cơ thể không đủ cho các hoạt động hằng ngày của bạn.
3. Thích đồ ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ
Đồ ăn nhanh thường chứa rất nhiều chất béo và tinh bột. Điều này dẫn đến việc nếu ăn quá nhiều thức ăn nhanh bạn sẽ thừa cân, béo phì kéo theo hàng loạt các nguy cơ bệnh lý liên quan đến dư thừa dinh dưỡng như mỡ trong máu, huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và thậm chí cả ung thư….
Đồ ăn nhanh thường là những món ăn chứa nhiều dầu mỡ, loại dầu mỡ được chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ chứa rất nhiều ảnh hưởng đến hệ tim mạch gây những chứng bệnh như xơ vữa động mạch, viêm cơ tim, bệnh xương khớp, tiêu hóa
4. Thường xuyên ăn lại đồ, hâm lại đồ để ăn
Không nên hâm lại thức ăn nhiều lần vì sẽ làm hao hụt các vitamin, men enzym khi ăn vào sẽ không nhiều lợi ích cho sức khỏe. Sự tăng trưởng của vi khuẩn sẽ gây rối loạn tiêu hóa và chứng khó tiêu. Ngoài ra, chúng còn khiến thức ăn lên men, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
Theo Cục An toàn thực phẩm và Kiểm dịch, Bộ Nông nghiệp Mỹ, thức ăn đã nấu chín chỉ an toàn 2 giờ sau khi nấu và dễ hư hỏng ở nhiệt độ từ 4 – 60 độ C. Sau khoảng thời gian này, bảo quản nóng hay lạnh không đúng đều tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển, gây ngộ độc thực phẩm.
5. Ăn quá nhiều thịt
Nhiều người rất thích ăn thịt, nghiện ăn thịt mặc dù biết rằng cơ thể bạn thực sự không cần nhiều thịt cá đến như vậy.
Nếu bạn duy trì thói quen tiêu thụ quá nhiều protein, sau khi cơ thể hấp thụ và trao đổi chất, protein chủ yếu được bài tiết qua thận. Nếu bạn ăn quá nhiều thịt cá hoặc món ăn từ động vậy, nó sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, tạo ra triệu chứng protein niệu và thậm chí dẫn đến suy thận. Nhiều bệnh khác cũng từ đây mà sản sinh ra, bệnh tại hệ bài tiết và tiết niệu gia tăng.
6. Ăn uống không theo bữa
Ăn uống theo giờ giấc, theo lượng sẽ khiến dạ dày của bạn hoạt động mạnh khỏe hơn. Bạn nên tuân thủ theo nhịp sinh học của cơ thể. Coi trọng bữa ăn. Lưu ý thêm là, bạn chỉ nên ăn no khoảng 80% sức chứa của dạ dày.
Làm việc và nghỉ ngơi không khoa học và hợp lý một cách thường xuyên, sử dụng quá nhiều thuốc giảm cân, đói và no quá mức sẽ làm tăng gánh nặng cho ruột, rối loạn đường tiêu hóa và thậm chí dẫn đến tiêu chảy, táo bón và ung thư đại trực tràng.