Mất cân bằng nội tiết tố có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Nếu phát hiện trễ, việc điều trị bằng thuốc chỉ có thể cầm cự. Rất khó để khôi phục tình trạng sức khỏe như ban đầu. Do đó, ý thức được tình trạng bệnh càng sớm càng tốt.
Cùng điểm qua 10 dấu hiệu mất cân bằng nội tiết tố phổ biến nhất xem bạn có đang trong giai đoạn này không nhé.
1. Đau đầu không rõ nguyên nhân
Đối với nữ giới, estrogen là một loại nội tiết tố rất quan trọng. Chúng được sản sinh ra trong buồng trứng và tham gia nhiều hoạt động điều tiết cơ thể. Lượng estrogen quá thấp hoặc quá cao sẽ khiến bạn bị đau đầu bất chợt dù không căng thẳng hay áp lực.
Ngoài ra, việc mất cân bằng estrogen còn khiến cơ thể thay đổi và ảnh hưởng tâm trạng. Bạn sẽ thường xuyên cáu gắt vì những chuyện không đâu. Đột ngột thèm ăn hay chán ăn cũng sẽ ảnh hưởng đến vóc dáng của bạn.
2. Thường xuyên mất ngủ
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sự phát triển của cơ thể. Việc bị mất ngủ thường xuyên sẽ khiến cho các bộ phận không có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục. Từ đó dẫn đến tình trạng uể oải, thiếu sức sống và tính tình xấu đi.
Vấn đề mất ngủ có thể do căng thẳng, áp lực và thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Nếu không xác định được nguyên nhân cụ thể, rất có khả năng là do progesteron gây ra. Đây là chất giúp hệ thống thần kinh thư giãn, thoải mái, ngủ sâu hơn. Lượng hormone này quá thấp sẽ ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ. Ban đầu là ngủ không yên giấc, thường xuyên trằn trọc và giật mình. Sau đó là mất ngủ kéo dài.
3. Nổi mụn bất thường
Ở tuổi dậy thì, nội tiết tố androgen được sản xuất liên tục để phát triển những đặc điểm giới tính. Ví dụ như mọc lông nách, lông vùng kín, ria mép,… Trong đó, loại nội tiết tố này còn khiến cho lượng dầu dưới da tiết ra nhiều hơn. Đây chính là nguyên nhân gây tắc lỗ chân lông và tạo điều kiện cho mụn trứng cá phát triển.
Qua độ tuổi này, việc nổi mụn bất thường vẫn có thể xảy ra do một trong những nguyên nhân liên quan đến nội tiết tố sau:
– Hiệu suất của tuyến thượng thận giảm làm mất cân bằng hormone trong cơ thể.
– Cortisol tăng cao do căng thẳng kéo dài về cả thể chất và tinh thần.
– Thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
– Dùng thuốc đặc trị, thuốc tránh thai hay chế độ giảm cân đột ngột.
4. Mệt mỏi, chán nản kéo dài
Ai cũng có lúc mệt mỏi, chán nản vì các vấn đề trong cuộc sống. Sau khi giải quyết được những rắc rối này thì tinh thần sẽ phấn chấn và lạc quan trở lại. Nhưng riêng bạn lại không như vậy? Dù không có trở ngại nào đáng kể, bạn vẫn luôn mệt mỏi mà chẳng rõ nguyên nhân?
Đừng tự trách bản thân, đây có thể là dấu hiệu mất cân bằng của hormone tuyến giáp. Loại hormone này đảm nhận nhiều chức năng quan trọng như:
– Tăng cường chuyển hóa glucid, lipid tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động,
– Điều khiển ham muốn tình dục.
– Duy trì lượng canxi trong máu.
– Tham gia hoạt động của hệ thần kinh và hô hấp.
5. Tăng cân mất kiểm soát
Mất cân bằng nội tiết tố làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Lượng lipid và glucid không được chuyển hóa khiến mỡ tích tụ và còn phá vỡ các khối cơ. Ăn kiêng hay tập thể dục đều không hiệu quả nếu bạn không có phương pháp đúng hướng.
6. Vấn đề về đường tiêu hóa
Mất cân bằng hormone có thể gây rối loạn tiêu hóa. Dù chế độ ăn uống khoa học, bạn cũng phải đối diện với tình trạng co thắt dạ dày mỗi khi lo lắng, áp lực. Đó là do nồng độ estrogen tăng cao. Chúng sẽ điều khiển các nhóm vi sinh trong thành dạ dày gây ra: đau bụng, khó tiêu, ợ hơi,…
7. Đổ mồ hôi dù không hoạt động mạnh
Hormone mất cân bằng sẽ khiến cho việc điều tiết nhiệt độ cơ thể rối loạn. Việc bạn đột ngột nóng/lạnh hay ra mồ hôi bất thường có thể do điều này. Triệu chứng này thường gặp ở giai đoạn mãn kinh. Nếu không trong nhóm trên, bạn có thể mắc một số bệnh lý đáng ngờ. Cần thăm khám chuyên khoa phù hợp để được điều trị kịp thời.
8. Trí nhớ suy giảm
Lượng estrogen và cortisol giảm mạnh là nguyên nhân của các vấn đề về trí nhớ. Bạn sẽ thường xuyên “não cá vàng” và không thể tập trung chuyên môn như trước. Hiệu quả công việc và các hoạt động hằng ngày bị giảm. Đây cũng là tình trạng thường xảy ra với phụ nữ sau sinh.
9. Rụng tóc
Rối loạn nội tiết tố gây rụng tóc ở cả 2 phái. Đối với nam giới là do lượng testosterone giảm. Còn đối với nữ giới là do lượng estrogen thấp quá mức. Lúc này, cơ thể sẽ tiết ra dihydrotestosterone. Đây là “hung thần” làm tăng dầu nhờn trên da đầu. Không chỉ gây ngứa, khó chịu mà còn bịt kín nang tóc, khiến tóc yếu và dễ gãy rụng. Khi nang lông bị tổn thương thì tỷ lệ tóc con mọc lên rất thấp.
Bạn có gặp phải một trong những dấu hiệu trên không? Nếu không thì xin chúc mừng bạn. Hãy tiếp tục duy trì lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh như hiện tại. Còn nếu cảm thấy không ổn cũng đừng quá lo lắng. Bạn hãy đi khám chuyên khoa để được bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhé!