Đàn ông nóng tính hơn phụ nữ đúng không? Tại sao vậy?

Trong cuộc sống, mọi việc không phải lúc nào cũng như ý muốn của ta. Do vậy, giận dữ là loại cảm xúc dường như không tránh khỏi. Đàn ông và phụ nữ ai nóng tính hơn và làm sao để kiểm soát những cơn sân hận đó?

Đàn ông và phụ nữ, ai dễ nổi giận hơn?

Nhiều người nghĩ rằng đàn ông hay nổi giận hơn phụ nữ, mỗi khi họ nổi giận để lại hậu quả nghiêm trọng hơn. Bởi thế, hầu hết chúng ta tin rằng đàn ông nóng tính hơn phụ nữ. Song, điều này hoàn toàn không chính xác.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, phụ nữ thường trải qua những cơn giận dữ thường xuyên và dữ dội không khác gì phái mạnh. Thậm chí, phụ nữ nhạy cảm hơn và hay nóng giận với những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Trong tình yêu, nhiều cô gái thích giận dỗi vì nghĩ rằng mình là phái yếu và cần được người yêu dỗ dành.  

Một cuộc nghiên cứu thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Tây Nam Missouri Mỹ, nhóm tác giả đã khảo sát khoảng 200 phụ nữ và đàn ông. Kết quả là tần suất nổi giận và bộc phát cơn giận qua hành động ở 2 phái gần như ngang bằng nhau. 

Đàn ông nổi giận thường đáng sợ hơn phụ nữ? Tại sao?

Quả đúng là như vậy. Đàn ông khi nổi giận thường sẽ có những hành động hung hăng hơn phụ nữ. Nam giới thường kém hơn trong việc kìm nén cơn giận. Ngược lại thì phụ nữ làm tốt hơn trong việc kiểm soát những hành động bốc đồng được xui khiến bởi cơn giận.

Cũng có những bằng chứng cho rằng sự khác biệt về giới của cơn giận thực chất bắt nguồn từ sự khác biệt trong sinh lí não bộ. Một cuộc nghiên cứu thực hiện bởi Ruben và Raquel Gur – một cặp vợ chồng tại trường Y trực thuộc Đại học Pennsylvania, đã tìm ra rằng tuy rằng hạch hạnh nhân ở não bộ của đàn ông và phụ nữ đều có kích thước bằng nhau. Nhưng phần vỏ não trước ở phụ nữ lại có kích thước lớn hơn. Đây là khu vực não bộ đảm nhận chức năng quản lí và điều khiển những hành động bốc đồng ở người. Từ phát hiện này, nhóm tác giả cho rằng đây chính là lí do tại sao phụ nữ sẽ thường giỏi hơn đàn ông trong việc kìm nén cảm xúc đang dâng trào.

Song não bộ con người là một bộ phận rất phức tạp. Các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết về những tác động của sinh lí của não bộ lên việc hình thành các khác biệt giữa hai giới tính. 

Nhà tâm lí học tại Đại học Yale chỉ ra rằng: “Chúng tôi còn nhận thấy rằng sự khác biệt về phương thức giáo dục giữa các bé trai và bé gái tại trường học cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng điều khiển cách chúng phản hồi cơn giận dữ. Và nếu chỉ so sánh những khác biệt về não bộ, chúng ta sẽ không thể giải thích được sự khác biệt trên, nó còn phức tạp hơn thế nhiều”.

Sức khoẻ tinh thần và cơn giận

Chúng ta thường nghe câu “nóng giận mất khôn”. Cách mà chúng ta phản ứng và đối diện trước cảm giác giận dữ đều phụ thuộc vào sự liên kết cân bằng giữa một vài vùng khác nhau của não bộ. Song khi những kết nối này bị phá vỡ, người ta sẽ trở nên hung hăng hơn thông thường.

Các chứng bệnh về thoái hoá thần kinh bao gồm Alzheimer và đặc biệt là căn bệnh sa sút trí tuệ trán – thái dương. Đó đều là nguyên nhân dẫn tới những tổn thương cho vùng vỏ não trước – phân vùng não có khả năng ức chế những phản hồi theo bản năng trước những thất vọng và cơn giận. Không những thế, các bệnh lí trên cũng có thể cắt đứt hoàn toàn các liên kết giữa phân vùng này của não và hạch hạnh nhân.

Nóng giận là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cao huyết áp ở những người có bệnh sẵn. Nguy hiểm hơn là là cơn lôi đình có thể khiến huyết áp tăng quá cao dẫn đến đột quỵ. 

Trì hoãn là liều thuốc đặc trị sự mất kiểm soát khi giận dữ

Khi nóng giận, chúng ta thường không kiểm soát được hết hành vi của mình dẫn đến những hành động đôi khi “tàn nhẫn”. Và hậu quả cơn nóng giận bao giờ cũng nghiêm trọng hơn nguyên nhân.

Phương thuốc hữu hiệu nhất chữa giận dữ là trì hoãn. Nếu cơn giận đến, hãy cố gắng trì hoãn để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Trì hoãn là phương pháp sử dụng thời gian để làm nguôi ngoai cơn giận. Ít nhất lúc đang giận đó bạn đã không làm điều gì đó rất ngớ ngẩn và tàn nhẫn. Sau đó bạn có thể tìm ra cách xử lý sự việc đúng đắn hơn.

Dẫu biết rằng khi cơn giận đến, con người ta muốn “sôi máu” lên thì trì hoãn rất khó. Thế nhưng việc khó như vậy mà bạn làm được mới chứng tỏ được “bản lĩnh” và “giá trị” con người mình!