Mặc dù chưa có nghiên cứu nào khẳng định thực phẩm biến đổi gen có hại cho sức khỏe. Thế nhưng, sử dụng thực phẩm biến đổi gen vẫn là một vấn đề gây nghi ngờ và tranh cãi cho người tiêu dùng.
Thế nào gọi là thực phẩm biến đổi gen?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp quốc tế (FAO) thì thực phẩm biến đổi gen là những sinh vật được tạo ra bằng cách thay đổi vật liệu di truyền (DNA) theo phương thức nhân tạo (không phải bằng phương thức tự nhiên).
Các sinh vật biến đổi gen là những sinh vật có tổ hợp gen di truyền đã bị biến đổi nhờ vào kỹ thuật sinh học hiện đại. Các kỹ thuật sinh học hiện đại gồm các hình thức làm biến đổi gen di truyền của một loài bằng các phương pháp chuyển gen, gây đột biến hoặc chỉnh sửa gen.
Lợi ích của thực phẩm biến đổi gen
Bùng nổ dân số kèm theo tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. Nguy cơ thiếu hụt lương thực, thực phẩm tăng. Do đó, người ta ưu tiên những giống cây có năng suất cao, ít bị sâu bệnh, cỏ dại. Như vậy sản lượng thu được lớn, đáp ứng nhu cầu dân số. Các loại thực phẩm biến đổi gen ra đời từ đó.
Trong khoảng thời gian từ 1996 đến 2011, thực phẩm biến đổi gen cung cấp thêm khoảng 110 triệu tấn đậu, 195 triệu tấn ngô 15,8 triệu tấn bông và 6,6 triệu tấn dầu canola. Nhờ vào việc tăng sản lượng lương thực như vậy, nguy cơ thiếu hụt lương thực toàn cầu đã giảm nhiều. Các loại cây trồng biến đổi gen cũng giúp xóa đói giảm nghèo bằng cách giúp cho 16,5 triệu nông dân nhỏ và gia đình họ, tổng số hơn 65 triệu người.
Nếu không có công nghệ sinh học tạo ra sản lượng lương thực thực phẩm đó thì thế giới cần phải có thêm 5,4 triệu hecta đất trồng đậu nành, 6,6 triệu hecta trồng ngô, 3,3 triệu hecta bông, tương đương với 9% đất nông nghiệp của Mỹ hoặc 25 % của Braxin hay 28% diện tích đất nông nghiệp của Châu Âu.
Cũng nhờ các giống cây trồng biến đổi gen chống lại sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt mà số lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ giảm đi, lượng phân bón vô cơ, hữu cơ cũng giảm đi giúp cải thiện môi trường tốt hơn; giảm lượng khí thải, bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách tiết kiệm 123 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 1996-2012.
Thực phẩm biến đổi gen ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe con người?
Cho đến nay, có 3 vấn đề chính mà thực phẩm biến đổi gen có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người gồm khả năng gây dị ứng, kích hoạt các gen không mong muốn làm rối loạn quá trình chuyển hóa và khả năng sản sinh ra các chất độc.
Một số nghiên cứu cho thấy, các thực phẩm hay gây dị ứng ví dụ như đậu nành, nếu được biến đổi gen có khả năng gây dị ứng mạnh hơn. Ví dụ đậu nành chuyển gen của Brazil có nguy cơ gây dị ứng mạnh hơn so với đậu nành thông thường. Chính vì tác dụng phụ này mà công ty sản xuất ra loại đậu nành chuyển gen của Brazil đã không đưa sản phẩm ra thị trường.
Để đảm bảo an toàn, trước khi đưa thực phẩm biến đổi gen ra bán tại thị trường, các nhà sản xuất đều phải tiến hành nhiều thử nghiệm chặt chẽ về chất lượng sản phẩm, kiểm định để khẳng định không có chất độc và không gây hại cho người tiêu dùng.
Các thử nghiệm này được tiến hành trên nhiều loài động vật như chuột, cá, gà, bò và các tiêu chí đánh giá gồm cả quá trình sinh trưởng, phát triển, khả năng sinh sản, chất lượng thịt, sữa cũng như các chất độc phát sinh nếu có ở động vật sau khi ăn đậu nành biến đổi gen.
Kết quả các nghiên cứu trên động vật đều cho thấy không có tác dụng có hại nào khác biệt giữa đậu nành biến đổi gen và đậu nành không biến đổi gen. Rất nhiều nghiên cứu trên các loại thực phẩm biến đổi gen khác nhau đã được tiến hành và cho đến nay không có công bố nào nói đến tác dụng có hại nào của thực phẩm biến đổi gen đối với sức khỏe của động vật.
Lịch sử sử dụng thực phẩm biến đổi gen của toàn thế giới cho đến nay khoảng 20 năm cũng chưa thấy có báo cáo nào nói đến hiện tượng ngộ độc, gây quái thai, dị tật, gây ung thư hay bất kỳ tác dụng có hại nào trên người sử dụng.
Đây là kết quả khẳng định của nhiều nhóm nghiên cứu độc lập về độ an toàn của thực phẩm biến đổi gen trên thế giới và được công bố ở một số tạp chí khoa học có giá trị như tạp chí: Critical Reviews in Biotechnology, Environment International, Genetics, Nature Biotechnology cũng như các khẳng định của các tổ chức quốc tế như WHO, và FAO.
Nhiều nhóm chống thực phẩm biến đổi gen được điều hành bởi những người yêu tự nhiên đã không có hiểu biết về cơ chế, phương pháp cũng như quy trình tạo ra thực phẩm biến đổi gen nên đã đưa ra những nhận định suy đoán cũng như tưởng tượng ra những hình thức gây độc không có thực của thực phẩm biến đổi gen.
Tình hình sản xuất thực phẩm biến đổi gen tại Việt Nam
Tại Việt Nam, cây trồng biến đổi gen đã được đưa vào thử nghiệm gần 7 năm và cho tới năm 2015, những sản phẩm được chế biến từ ngô, đậu nành… biến đổi gen đã xuất hiện trong siêu thị, chợ và bữa ăn của các gia đình.
Đồng thời, nhiều loại thực phẩm biến đổi gen đang có mặt hầu hết ở các chợ và siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Một cuộc khảo sát cho thấy 111/323 mẫu thực phẩm gồm: bắp, đậu nành, khoai tây, gạo, cà chua, đậu Hà Lan… chọn ngẫu nhiên ở 17 chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố được kiểm nghiệm cho kết quả là sản phẩm biến đổi gen.
Trong đó có bắp Mỹ, bắp trái non, bắp non đóng hộp, bột bắp, bắp giống có nguồn gốc trong nước và nước ngoài dương tính với promoter 35S hoặc terminator nos – một dạng biến đổi gen. Ngoài ra còn có 45 mẫu bắp, 29 mẫu đậu nành, 11 mẫu gạo, 15 mẫu khoai tây, 10 mẫu cà chua.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu hơn 4 triệu tấn ngô, giá trị nhập khẩu đạt 939 triệu USD, tăng 43% về khối lượng và tăng 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Năm 2005, Chính phủ Việt Nam chủ trương phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, bao gồm công nghệ GMO. Mục tiêu giai đoạn 2011-2015 là “Đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất”. Từ năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bắt đầu thực hiện thử nghiệm 7 giống ngô GMO.
Đồng thời cũng triển khai Luật an toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định số 38/2012 của Chính phủ, liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Khoa học Công nghệ đã hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn ghi nhãn với thực phẩm có tỷ lệ thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5%.
Đến tháng 3/2015, 3 giống ngô GMO đã được đồng loạt xuống giống tại 4 tỉnh phía Bắc và 4 tỉnh phía Nam. Sản phẩm thu hoạch đã được đưa vào sử dụng đại trà ở Việt Nam. Đến tháng 8/2016, Bộ NN&PTNN đã cấp phép cho 21 giống ngô và đậu nành GMO được phép trồng ở Việt Nam.
Như vậy đến năm 2015, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 29 trồng đại trà ngô biến đổi gen, có khả năng kháng sâu. Tầm nhìn đến năm 2020, diện tích cây biến đổi gen ở Việt Nam sẽ chiếm 30%-50% tổng diện tích ngô, bông và đậu tương trồng mới.
Năm 2017, Công ty CP của Thái Lan liên kết với Mosanto thực hiện dự án phát triển khu nhân giống thực phẩm biến đổi gen, giúp Việt Nam có thể trở thành quốc gia xuất khẩu giống GMO của khu vực. Đây là cơ hội đồng thời cũng là thách thức không nhỏ.
(Theo Tri thức trẻ)
Tin mới nhất: