Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2019 đến nay nước ta đã có hơn 96.000 ca bệnh sốt xuất huyết. Chỉ tính riêng trong tháng 7 vừa rồi, số người bệnh sốt xuất huyết lên đến hơn 25.000 người. Trong đó có 4 trường hợp tử vong. Những “con số biết nói” này sẽ còn tăng lên trong những tháng cuối năm và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.
Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra, là bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan từ người sang người do muỗi vằn nhiễm vi rút truyền bệnh. Ở nước ta, bệnh xảy ra quanh năm và bùng phát mạnh vào mùa mưa (tháng 7 – 10). Cả ba miền Bắc, Trung, Nam và thành thị hay nông thôn, mọi độ tuổi đều có nguy cơ nhiễm bệnh như nhau. Người đã từng bị sốt xuất huyết vẫn có thể tiếp tục bị nhiễm đến 4 lần. Do đó, tất cả chúng ta đều không được chủ quan.
Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng căn bệnh nguy hiểm này. Thời gian điều trị có thể lên đến 7 – 10 ngày. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và công việc nói chung. Riêng đối với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú, mức độ nguy hiểm cao gấp 2 lần do biểu hiện sốt có thể nhầm lẫn với các bệnh cảm mạo thông thường. Sức đề kháng yếu, uống thuốc trong thời gian dài dễ khiến sức khỏe trẻ kiệt quệ.
Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết
Thời gian ủ bệnh ban đầu từ 2 – 7 ngày có dấu hiệu:
– Sốt cao đột ngột từ 39 – 40 độ, không có dấu hiệu cảm cúm.
– Mức độ đau đầu tăng dần, hai hốc mắt khô và khó chịu, chán ăn.
– Bắt đầu nổi các nốt đỏ trên da (xuất huyết), phát ban.
Trong giai đoạn trên nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những triệu chứng nghiêm trọng hơn như:
– Các nốt xuất huyết trên da xuất hiện ngày càng nhiều.
– Chảy máu cam, chảy máu chân răng, trong người mệt mỏi, không còn sức lực.
– Đau bụng, buồn nôn, đi cầu ra phân đen.
– Chân tay lạnh cóng, mắt lờ đờ, có thể ngất xỉu.
– Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tràn dịch màn phổi, màng bụng, suy đa tạng, nguy cơ tử vong cao.
Khi sốt cao không rõ nguyên nhân 2 – 3 ngày liên tục, không nên chủ quan mà cần đến cơ sở y tế xét nghiệm ngay. Điều trị sớm, đúng cách giúp bệnh mau khỏi, hạn chế “lây” cho mọi người xung quanh. Đặc biệt là với trẻ nhỏ. Tình trạng sốt cao kéo dài có thể dẫn đến những biến chứng khôn lường: viêm màng não, viêm não, bại não,…
Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc đặc trị. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể điều trị tại nhà và thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Người bệnh nên uống nhiều nước, ăn trái cây nhiều nước và dùng cháo loãng với muối. Uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ và theo dõi nhiệt độ cơ thể 2 lần mỗi ngày. Nếu bệnh trở nặng, người nhà cần đưa bệnh nhân nhập viện theo dõi, tránh kéo dài xảy ra trường hợp đáng tiếc.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có đặc điểm gì?
Muỗi vằn truyền bệnh có 2 loại: Aedes aegypti và Aedes albopictus. Giống như tên gọi, chúng có màu đen xen kẽ với những sọc trắng. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, đẻ trứng ở bất kỳ nơi nào có nước. Từ ao hồ, giếng, vũng nước đến lu, xô, bãi phế thải,… Chúng thường ẩn náu ở các góc nhà, trong quần áo, sau lưng các tủ đồ. Hoạt động mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối.
Cần làm gì để phòng bệnh sốt xuất huyết?
Chúng ta hoàn toàn có thể phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách diệt lăng quăng, muỗi vằn và phòng chống muỗi đốt.
Diệt lăng quăng và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi:
– Đậy kín lu, xô, dụng cụ chứa nước để muỗi vằn không thể đẻ trứng. Ngay cả bình hoa, nước cúng cũng phải thay thường xuyên.
– Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê tủ đựng chén bát.
– Thả cá vào bể chứa nước lớn để diệt lăng quăng.
– Vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà sạch sẽ. Nhổ cỏ thường xuyên để muỗi vằn không có nơi ẩn nấp.
– Thu dọn các vật dụng có thể đựng nước mưa như chai, lọ, mảnh sành, vỏ dừa,… để ngăn muỗi đẻ trứng.
Tiêu diệt muỗi vằn:
– Dùng bình xịt muỗi vào góc nhà, góc tủ có nhiều muỗi.
– Thắp nhan muỗi vào “giờ cao điểm” buổi sáng sớm và chiều.
– Dùng vợt điện diệt muỗi.
Phòng chống muỗi đốt:
– Mặc quần áo dài tay, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
– Ngủ mùng kể cả ban ngày.
– Thoa kem chống muỗi.
– Phun hóa chất đuổi muỗi.
– Người bị sốt xuất huyết nên chủ động nằm trong màn hay ở phòng riêng, tạm xin nghỉ việc để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Mỗi cá nhân, gia đình cần chủ động tìm hiểu về bệnh sốt xuất huyết. Tiến hành các biện pháp phòng tránh, theo dõi tình trạng sức khỏe và thăm khám ngay khi có biểu hiện đáng ngờ. Phối hợp với cơ quan địa phương trong các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực dân cư, ký túc xá, trường học, bệnh viện, nhà máy,… “Không bọ gậy, không lăng quăng, không có sốt xuất huyết” – Cùng chung tay vì bản thân và cộng đồng nhé các bạn!