Nhiều siêu thị đã thay việc gói thực phẩm bằng túi nylon sang lá chuối để bảo vệ môi trường. Người tiêu dùng tỏ ra rất hài lòng và ủng hộ giải pháp này. Màu xanh và sự an toàn cho sức khỏe từ lá chuối tạo cảm giác mới lạ, độc đáo cho các quầy hàng
LÁ CHUỐI LÀ GIẢI PHÁP TRÁNH Ô NHIỄM RÁC THẢI NHỰA
Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về việc gây ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa. Theo các số liệu được công bố, chỉ riêng 6 quốc gia ở châu Á, trong đó có Việt Nam đã thải ra biển một lượng rác thải nhựa chiếm đến 60% tổng lượng rác thải nhựa ra biển toàn cầu. Đây chính là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí, còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia gọi là “ô nhiễm trắng”.
Rác nhựa có tuổi thọ rất cao, 1 chai nước nhựa có thể tồn tại qua 10 thế kỷ. Hằng năm, rác thải nhựa gây tổn thất lớn về mặt môi trường, giết chết hàng triệu sinh vật sống. Gây ảnh hưởng tồi tệ tới sức khỏe của con người. Vì vậy, cùng với các nước, tại Việt Nam, “Phong trào chống rác thải nhựa”, hay các sáng kiến thay thế túi nylon, ống hút, sản phẩm nhựa bằng những vật dụng khác thân thiện với môi trường đã và đang được chính phủ khuyến khích, phát động rộng rãi ở nhiều Bộ , ngành, địa phương..
Từ tháng 4, sau hơn một tháng triển khai, những tấm lá chuối thay thế túi nylon gói rau đã được áp dụng trong nhiều hệ thống siêu thị từ Bắc vào Nam. Phong trào này đã được người dân đón nhận tích cực. Những siêu thị áp dụng gói rau bằng lá chuối đều có lượng khách đến tăng cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người dân cũng nhiệt tình tham gia, hướng ứng thay thế túi nilon bằng những sản phẩm thân thiện hơn như túi vi sinh phân hủy hoàn toàn làm từ tinh bột ngô. Từ chối những sản phẩm nhựa dùng một lần. Thay thế ống hút nhựa bằng ống hút được làm tử cỏ sậy và các sản phẩm dùng được nhiều lần đang được nhiều nhà hàng ở Hội An, TP.HCM và nhiều đô thị tích cực hưởng ứng.
KẾT QUẢ CÓ KHẢ QUAN?
Mặc dù, bước đầu việc thay đổi sang gói thực phẩm bằng lá chuối khiến các cửa hàng, siêu thị tốn nhiều công sức, nhân lực hơn, từ khâu tìm nguồn mua lá, phân loại, sơ chế, bao gói… trong khi giá hàng hóa không được tăng thêm. Nhưng, để thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong việc dùng túi nylon, nhiều doanh nghiệp cung cấp thực phẩm không ngại khó khăn, chấp nhận giảm lợi nhuận.
So với trào lưu sử dụng ống hút làm bằng bột gạo, cọng cỏ bàng, tre… thay ống hút nhựa, phong trào dùng lá chuối thay bao bì nhựa để gói rau củ có độ lan tỏa nhanh hơn hẳn. Trên thực tế, việc nhân rộng các điển hình tích cực, tuyên truyền thay đổi nhận thức sử dụng túi nilon từ cá nhân đến cả cộng đồng đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, việc thay thế các túi nylon bằng lá chuối chỉ phần nào giảm được lượng túi nylon thải ra. Còn để bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa cần nhiều giải pháp đồng bộ. Những hành động cụ thể, ví dụ như ra luật, ra quy định kiểm soát chặt chẽ, tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào các công ty, các doanh nghiệp có lượng thải cao hoặc góp phần làm lượng rác thải nhựa cao. Đi cùng với đó là những chế tài khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng vật liệu thay thế thân thiện với môi trường. Nếu như thế ý nghĩa thiết thực của việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường mới lan tỏa rộng, không chỉ dừng lại ở phong trào và áp dụng tại một số địa điểm hạn chế.
Tin liên quan:
- Đây là lý do tại sao bạn dùng đủ mọi cách mà vẫn không giảm được cân
- Bồn cầu ố vàng do nước nhiễm sắt hoặc phèn. Xử lý thế nào?
- Hà Nội: Báo động ô nhiễm nước giếng khoan, chuyển sang sử dụng nước mặt
- Thị trường nước uống đóng chai: thật giả lẫn lộn