Cứ bắt đầu vào tầm tháng 11 trở ra, thời tiết ngày càng xấu đi. Không khí ngày càng lạnh và giá hơn. Những cơn gió mùa đông bắc kéo về khiến cho nhiệt độ ngày càng giảm xuống và còn có cả những trận mưa giá. Đi cùng với nó là các vấn đề về sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu các bệnh thường gặp vào mùa lạnh và cách phòng tránh nhé.
Các bệnh thường gặp mùa lạnh
Trầm cảm theo mùa
Đây là chứng rối loạn cảm xúc theo mùa, thường xảy ra vào mùa thu và mùa đông. Một số triệu chứng của bệnh trầm cảm theo mùa gồm có: cảm thấy rất khó thức dậy vào mỗi sáng, có xu hướng ngủ lâu hơn, ăn nhiều hơn, đặc biệt thèm các chất có hàm lượng cacbohydrat cao như tinh bột.
Khi bị trầm cảm theo mùa sẽ khó tập trung, đường huyết thấp, cơ thể mệt mỏi, ủ rũ. Thường có xu hướng khép kín, tránh tiếp xúc với bạn bè, gia đình và các hoạt động xã hội. Tâm trạng bi quan, không còn hứng thú làm việc.
Cúm và cảm lạnh là một trong số các bệnh thường gặp nhất
Thời tiết mùa đông thường lạnh và khô, đây là môi trường thích hợp cho các virus cúm lây lan qua không khí. Chính vì thế, khi mùa đông tới, rất nhiều người bị cúm và cảm lạnh.
Để phòng tránh bạn có thể tiêm vắc xin để phòng cúm. Ngoài ra, bạn hãy giữ hệ thống miễn dịch ở trạng thái tốt. Bạn nên tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đầy đủ.
Đau khớp
Mùa đông thường gây đau khớp nhiều hơn. Và không chỉ xảy ra ở những người có tuổi mà ở tất cả mọi người. Bởi thời tiết lạnh và ẩm ướt, cùng với sự thay đổi áp suất khí quyển.
Để phòng ngừa đau khớp, điều quan trọng là phải mặc đủ ấm và giữ nhiệt cho cơ thể càng nhiều càng tốt. Tất nhiên, các phụ kiện như khăn quàng cổ, găng tay, mũ len và tất là rất cần thiết để bảo vệ đầy đủ khi ra ngoài trời.
Viêm họng
Có một số bằng chứng cho thấy sự thay đổi và chênh lệch nhiệt độ – chẳng hạn như đi từ một căn phòng ấm áp ra ngoài trời lạnh giá – cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến cổ họng. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu của đau họng là do nhiễm virus.
Một biện pháp khắc phục nhanh chóng và dễ dàng thực hiện khi bị đau họng là súc miệng với nước muối ấm. Mặc dù nước muối không chữa được khi bạn bị nhiễm trùng, nhưng nó có tính chống viêm và có tác dụng làm dịu cổ họng đang viêm rát.
>>> 5 mẹo chữa bệnh viêm họng tại nhà hiệu quả
>>> 6 thực phẩm làm sạch phổi bạn nên biết
Hen xuyễn
Những người bị hen nên đặc biệt cẩn thận vào mùa đông. Bởi không khí lạnh là một yếu tố chính gây ra các triệu chứng hen như thở khò khè và thở dốc.
Chính vì thế, hãy ở trong nhà vào những ngày nhiệt độ xuống thấp và gió rét. Nếu bạn phải đi ra ngoài, hãy đeo khăn hoặc khẩu trang che kín mũi và miệng. Và đặc biệt, cẩn thận tích trữ các loại thuốc thông thường và giữ thuốc dạng hít hoặc dạng xịt bên mình.
Cước chân, tay
Do nhiệt độ xuống thấp, môi trường lạnh giá, các mạch máu ngoại vi nằm dưới lớp da mỏng ở đầu ngón tay, ngón chân do không được giữ ấm nên sẽ bị co lại, khiến cho quá trình tuần hoàn máu diễn ra chậm chạp. Sau đó, khi được làm ấm đột ngột, các mạch máu ngoại vi sẽ bị vỡ ra, làm cho vùng da ở đầu ngón tay, ngón chân bị tổn thương và biểu hiện là sự sưng tấy đỏ, ngứa ngáy.
Để phòng tránh, bạn cần đi tất, bao tay để giữ ấm mỗi khi ra ngoài. Hạn chế cho tay tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh hay các chất tẩy rửa. Và thường xuyên ngâm chân, tay bằng nước ấm. Có pha muối và gừng vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Bạn cũng nên massage chân bằng dầu nóng để tăng nhiệt độ cho cơ thể vào những ngày giá rét.
Da khô
Do thói quen tắm bằng nước ấm vào mùa đông. Cũng như lượng nước được nạp vào cơ thể ít hơn các mùa còn lại. Cho nên da bạn rất dễ bị khô, thiếu độ ẩm. Gây nên tình trạng ngứa ngáy, bong chóc, nẻ da. Thậm chí có thể khiến da bạn nhanh lão hóa hơn. Một trong những việc làm tốt nhất để ngăn chặn tình trạng này đó là uống đủ nước và dưỡng ẩm cho da.
Các bác sĩ da liễu cho biết rằng, thời gian tốt nhất để bôi kem dưỡng ẩm là sau khi tắm. Vì lúc này da vẫn còn ẩm, ngoài ra, bạn cũng có thể bôi thêm một lần nữa vào lúc trước khi đi ngủ. Khi tắm nên hạn chế sử dụng nước quá nóng để ngăn nguy cơ kích ứng và ngứa da.
> Bổ sung nước thế nào để tốt cho cơ thể vào mùa lạnh